Hiệp định thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ

Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ (dưới đây được gọi chung là “các Bên” và gọi riêng là “Bên”),

Mong muốn thiết lập và phát triển quan hệ kinh tế và thương mại bình đẳng và cùng có lợi trên cơ sở tôn trọng độc lập và chủ quyền của nhau;

Nhận thức rằng, việc các Bên chấp nhận và tuân thủ các quy tắc và tiêu chuẩn thương mại quốc tế sẽ giúp phát triển quan hệ
thương mại cùng có lợi, và làm nền tảng cho các mối quan hệ đó;

Ghi nhận rằng, Việt Nam là một nước đang phát triển có trình độ phát triển thấp, đang trong quá trình chuyển đổi kinh tế và đang tiến hành các bước hội nhập vào kinh tế khu vực và thế giới, trong đó có việc tham gia Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam á (ASEAN), Khu vực Mậu dịch Tự do ASEAN (AFTA), và Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu á – Thái Bình Dương (APEC) và đang tiến tới trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Thỏa thuận rằng, các mối quan hệ kinh tế, thương mại và việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ là những nhân tố quan trọng và cần thiết cho việc tăng cường các mối quan hệ song phương giữa hai nước; và

Tin tưởng rằng, một hiệp định về quan hệ thương mại giữa các Bên sẽ phục vụ tốt nhất cho lợi ích chung của các Bên;

Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ
Hiệp định thương mại Việt – Mỹ

Đã thỏa thuận như sau:

CHƯƠNG I: Thương mại hàng hoá

Điều 1: Quy chế Tối huệ quốc (Quan hệ Thương mại Bình thường)(1) và Không phân biệt đối xử

1. Mỗi Bên dành ngay lập tức và vô điều kiện cho hàng hóa có xuất xứ tại hoặc được xuất khẩu từ lãnh thổ của Bên kia sự đối xử không kém thuận lợi hơn sự đối xử dành cho hàng hóa tương tự có xuất xứ tại hoặc được xuất khẩu từ lãnh thổ của bất cứ nước thứ ba nào khác trong tất cả các vấn đề liên quan tới:

A. mọi loại thuế quan và phí đánh vào hoặc có liên quan đến việc nhập khẩu hay xuất khẩu, bao gồm cả các phương pháp tính các loại thuế quan và phí đó;

B. phương thức thanh toán đối với hàng nhập khẩu và xuất khẩu, và việc chuyển tiền quốc tế của các khoản thanh toán đó;

C. những quy định và thủ tục liên quan đến xuất nhập khẩu, kể cả những quy định về hoàn tất thủ tục hải quan, quá cảnh, lưu kho và chuyển tải;

D. mọi loại thuế và phí khác trong nước đánh trực tiếp hoặc gián tiếp vào hàng nhập khẩu;

E. luật, quy định và các yêu cầu khác có ảnh hưởng đến việc bán, chào bán, mua, vận tải, phân phối, lưu kho và sử dụng hàng hóa trong thị trường nội địa; và

F. việc áp dụng các hạn chế định lượng và cấp giấy phép.

2. Các quy định tại khoản 1 của Điều này sẽ không áp dụng đối với hành động của mỗi Bên phù hợp với nghĩa vụ của Bên đó trong Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và các hiệp định trong khuôn khổ của tổ chức này. Tuy vậy, một Bên sẽ dành cho các sản phẩm có xuất xứ tại lãnh thổ Bên kia sự đối xử Tối huệ quốc trong việc giảm thuế do các đàm phán đa phương dưới sự bảo trợ của WTO mang lại, với điều kiện là Bên đó cũng dành lợi ích đó cho tất cả các thành viên WTO.

3. Những quy định tại khoản 1 của Điều này không áp dụng đối với:

A. Những thuận lợi mà một trong hai Bên dành cho liên minh thuế quan hoặc khu vực mậu dịch tự do mà Bên đó là thành viên đầy đủ; và

B. Những thuận lợi dành cho nước thứ ba nhằm tạo thuận lợi cho giao lưu biên giới.

4. Các quy định tại mục 1.F của Điều này không áp dụng đối với thương mại hàng dệt và sản phẩm dệt.

Điều 2: Đối xử Quốc Gia

1. Mỗi Bên điều hành các biện pháp thuế quan và phi thuế quan có ảnh hưởng tới thương mại để tạo cho hàng hóa của Bên kia những cơ hội cạnh tranh có ý nghĩa đối với các nhà cạnh tranh trong nước.

2. Theo đó, không Bên nào, dù trực tiếp hay gián tiếp, quy định bất cứ loại thuế hoặc phí nội địa nào đối với hàng hóa của Bên kia nhập khẩu vào lãnh thổ của mình cao hơn mức được áp dụng cho hàng hóa tương tự trong nước, dù trực tiếp hay gián tiếp.

3. Mỗi Bên dành cho hàng hóa có xuất xứ tại lãnh thổ của Bên kia sự đối xử không kém thuận lợi hơn sự đối xử dành cho hàng hóa nội địa tương tự về mọi luật, quy định và các yêu cầu khác có ảnh hưởng đến việc bán hàng, chào bán, mua, vận tải, phân phối, lưu kho và sử dụng trong nước.

4. Ngoài những nghĩa vụ ghi trong khoản 2 và 3 của Điều này, các khoản phí và biện pháp qui định tại khoản 2 và 3 của Điều này sẽ không được áp dụng theo cách khác đối với hàng nhập khẩu hoặc hàng hóa trong nước nhằm tạo ra sự bảo hộ đối với sản xuất trong nước.

5. Các nghĩa vụ tại các khoản 2, 3 và 4 của Điều này phải tuân thủ các ngoại lệ được quy định tại Điều III của GATT 1994 và trong Phụ lục A của Hiệp định này.

6. Phù hợp với các quy định của GATT 1994, các Bên bảo đảm không soạn thảo, ban hành hoặc áp dụng những quy định và tiêu chuẩn kỹ thuật nhằm tạo ra sự trở ngại đối với thương mại quốc tế hoặc bảo hộ sản xuất trong nước. Ngoài ra, mỗi Bên dành cho hàng nhập khẩu từ lãnh thổ của Bên kia sự đối xử không kém thuận lợi hơn sự đối xử tốt nhất dành cho hàng nội địa tương tự hoặc hàng tương tự có xuất xứ từ bất cứ nước thứ ba nào liên quan đến những quy định và tiêu chuẩn kỹ thuật nêu trên, kể cả việc kiểm tra và chứng nhận đạt tiêu chuẩn. Theo đó, các Bên:

A. bảo đảm rằng, mọi biện pháp vệ sinh hoặc vệ sinh thực vật không trái với các quy định của GATT 1994 chỉ được áp dụng ở mức cần thiết để bảo vệ cuộc sống hoặc sức khoẻ của con người, động vật hoặc thực vật, được dựa trên cơ sở các nguyên lý khoa học và không được duy trì nếu không có bằng chứng đầy đủ (cụ thể như đánh giá mức độ rủi ro), có tính đến của những thông tin khoa học sẵn có và điều kiện khu vực có liên quan, chẳng hạn như những vùng không có côn trùng gây hại;

B. bảo đảm rằng, những quy định về kỹ thuật không được soạn thảo, ban hành hoặc áp dụng nhằm tạo ra hoặc có tác dụng tạo ra những trở ngại không cần thiết đối với thương mại quốc tế. Vì mục tiêu này, những quy định về kỹ thuật sẽ không mang tính chất hạn chế thương mại cao hơn mức cần thiết để hoàn thành một mục tiêu chính đáng có tính đến những rủi ro mà việc không thi hành có thể gây ra. Những mục tiêu chính đáng như vậy bao gồm những yêu cầu an ninh quốc gia; ngăn ngừa những hành vi lừa đảo; bảo vệ sức khoẻ và an toàn cho con người; đời sống và sức khoẻ động thực vật, hoặc môi trường. Trong việc đánh giá những rủi ro như vậy, các yếu tố liên quan để xem xét bao gồm những thông tin khoa học và kỹ thuật có sẵn, công nghệ chế biến có liên quan hoặc các ý định sử dụng cuối cùng của sản phẩm.

7. Ngay sau khi Hiệp định này có hiệu lực, mỗi Bên dành cho công dân và công ty Bên kia quyền kinh doanh. Đối với Việt Nam, quyền kinh doanh đó được dành theo lộ trình sau:

A. Ngay sau khi Hiệp định này có hiệu lực và phù hợp với các hạn chế được quy định tại Phụ lục B và C, tất cả các doanh nghiệp trong nước được phép kinh doanh xuất nhập khẩu mọi hàng hóa;

B. Ngay sau khi Hiệp định này có hiệu lực và phù hợp với các hạn chế được quy định tại Phụ lục B và C, các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp của công dân và công ty Hoa Kỳ được phép nhập khẩu các hàng hóa và sản phẩm để sử dụng vào/hay có liên quan đến hoạt động sản xuất, hoặc xuất khẩu của doanh nghiệp đó cho dù các sản phẩm nhập khẩu đó có được xác định một cách cụ thể hay không trong giấy phép đầu tư ban đầu của họ.

C. Ba năm sau khi Hiệp định này có hiệu lực và phù hợp với các hạn chế được qui định tại Phụ lục B, C và D, các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp của các công dân và công ty Hoa Kỳ vào các lĩnh vực sản xuất và chế tạo được phép kinh doanh xuất nhập khẩu, với điều kiện là các doanh nghiệp này (i) có các hoạt động kinh doanh to lớn trong lĩnh vực sản xuất và chế tạo; và (ii) đang hoạt động hợp pháp tại Việt Nam;

D. Ba năm sau khi Hiệp định này có hiệu lực, phù hợp với các hạn chế qui định tại phụ lục B, C và D, các công dân và công ty Hoa Kỳ được phép tham gia liên doanh với các đối tác Việt Nam để tiến hành kinh doanh xuất nhập khẩu tất cả các mặt hàng. Phần góp vốn của các công ty Hoa Kỳ trong liên doanh không vượt quá 49% vốn pháp định của liên doanh. Ba năm sau đó mức hạn chế đối với về sở hữu của Hoa Kỳ là 51%.

E. Bảy năm sau khi Hiệp định này có hiệu lực, phù hợp với các hạn chế qui định tại Phụ lục B, C và D, các công ty Hoa Kỳ được phép thành lập công ty 100% vốn Hoa Kỳ để kinh doanh xuất nhập khẩu mọi mặt hàng.

8. Nếu một Bên chưa tham gia Công ước Quốc tế về Hệ thống Hài hoà về Mã và Miêu tả hàng hóa, thì Bên đó sẽ nỗ lực hợp lý để tham gia Công ước đó ngay khi có thể, nhưng không muộn quá một năm kể từ ngày Hiệp định có hiệu lực.

Điều 3: Những nghĩa vụ chung về Thương mại

1. Các Bên nỗ lực tìm kiếm nhằm đạt được sự cân bằng thỏa đáng về các cơ hội tiếp cận thị trường thông qua việc cùng cắt giảm thỏa đáng thuế và các hàng rào phi quan thuế đối với thương mại hàng hóa do đàm phán đa phương mang lại.

2. Các Bên sẽ, trừ khi được quy định cụ thể trong Phụ lục B và C của Hiệp định này, loại bỏ tất cả các hạn chế, hạn ngạch, yêu cầu cấp phép và kiểm soát xuất khẩu và nhập khẩu đối với mọi loại hàng hóa và dịch vụ, ngoại trừ những hạn chế, hạn ngạch, yêu cầu cấp phép và kiểm soát được GATT 1994 cho phép.

3. Trong vòng hai (02) năm kể từ khi Hiệp định này có hiệu lực, các Bên hạn chế tất cả các loại phí và phụ phí dưới bất kỳ hình thức nào (trừ thuế xuất nhập khẩu và các loại thuế khác theo Điều 2 của Chương này) áp dụng đối với hay có liên quan đến xuất nhập khẩu, ở mức tương xứng với chi phí của dịch vụ đã cung ứng và đảm bảo rằng những loại phí và phụ phí đó không phải là một sự bảo hộ gián tiếp đối với sản xuất trong nước hoặc là thuế đánh vào hàng nhập khẩu hay xuất khẩu vì mục đích thu ngân sách;

4. Trong vòng hai (02) năm kể từ khi Hiệp định này có hiệu lực, các Bên áp dụng hệ thống định giá hải quan dựa trên giá trị giao dịch của hàng nhập khẩu để tính thuế hoặc của hàng hóa tương tự, chứ không dựa vào giá trị r

2. Mỗi Bên dành đối xử quốc gia và đối xử tối huệ quốc cho các khoản đầu tư theo Hiệp định này đối với bất kỳ biện pháp nào liên quan đến các tổn thất mà các khoản đầu tư đó phải gánh chịu tại lãnh thổ của mình do chiến tranh hoặc xung đột vũ trang, cách mạng, tình trạng khẩn cấp quốc gia, khởi nghĩa, nội chiến hoặc các sự kiện tương tự khác.

3. Mỗi Bên chấp thuận phục hồi hoặc bồi thường phù hợp với khoản 1 trong trường hợp các khoản đầu tư theo Hiệp định này bị tổn thất tại lãnh thổ của mình do chiến tranh hoặc xung đột vũ trang, cách mạng, tình trạng khẩn cấp quốc gia, khởi nghĩa, nội chiến hoặc các tình trạng tương tự khác phát sinh từ việc:

A. trưng dụng toàn bộ hoặc một phần các khoản đầu tư đó bởi các lực lượng vũ trang hoặc các cơ quan có thẩm quyền của Bên đó; hoặc

B. phá huỷ toàn bộ hoặc một phần các khoản đầu tư đó bởi các lực lượng vũ trang hoặc các cơ quan có thẩm quyền của Bên đó mà tình hình không cần thiết phải làm như vậy.

Điều 11: Các biện pháp đầu tư liên quan đến thương mại

1. Phù hợp với các quy định tại khoản 2, không Bên nào được áp dụng bất kỳ biện pháp đầu tư liên quan đến thương mại nào (sau đây gọi là TRIMs) không phù hợp với Hiệp định về các biện pháp đầu tư liên quan đến thương mại của WTO. Danh mục minh họa các TRIMs được quy định tại Hiệp định WTO về TRIMs (sau đây gọi là Danh mục) được nêu tại Phụ lục I của Hiệp định này. TRIMs trong Danh mục được coi là không phù hợp với Điều này cho dù chúng được áp đặt trong các luật, quy định hoặc như là điều kiện đối với các hợp đồng hay giấy phép đầu tư cụ thể.

2. Các Bên đồng ý xoá bỏ toàn bộ TRIMs (bao gồm các biện pháp quy định trong các luật, quy định, hợp đồng hoặc giấy phép) được nêu tại mục 2(a) (các yêu cầu cân đối thương mại) và mục 2(b) (kiểm soát ngoại hối đối với hàng nhập khẩu) của Danh mục vào thời điểm Hiệp định này có hiệu lực. Việt Nam sẽ loại bỏ toàn bộ TRIMs khác không muộn hơn năm năm kể từ ngày Hiệp định này có hiệu lực hoặc vào ngày được yêu cầu theo qui định và điều kiện Việt Nam gia nhập WTO, tuỳ thuộc thời điểm nào diễn ra trước.

Điều 12: Việc áp dụng đối với các doanh nghiệp nhà nước

Khi một doanh nghiệp nhà nước của một Bên được ủy quyền thực hiện quyền hạn quản lý nhà nước, hành chính hoặc chức năng khác của chính quyền thì doanh nghiệp này phải thực hiện các nghĩa vụ của Bên đó.

Điều 13: Đàm phán về Hiệp định đầu tư song phương trong tương lai

Các Bên sẽ nỗ lực đàm phán với tinh thần thiện chí một hiệp định đầu tư song phương trong một thời hạn thích hợp.

Điều 14: Việc áp dụng đối với các khoản đầu tư theo Hiệp định này

Các quy định của Chương này, Phụ lục H, các thư trao đổi về Chế độ cấp giấy phép đầu tư, và các Điều 1, 4 của Chương VII được áp dụng đối với các khoản đầu tư theo Hiệp định này đang tồn tại vào thời điểm Hiệp định này bắt đầu có hiệu lực cũng như các khoản đầu tư được thành lập hoặc mua lại sau đó.

Điều 15: Từ chối các lợi ích

Mỗi Bên bảo lưu quyền từ chối dành cho một công ty của Bên kia hưởng những lợi ích của Chương này và Chương V Hiệp định này nếu các công dân của nước thứ 3 sở hữu hoặc kiểm soát công ty đó và 1. Bên từ chối không duy trì các quan hệ kinh tế bình thường với nước thứ ba đó; hoặc

2. Công ty đó không có hoạt động kinh doanh đáng kể trên lãnh thổ của Bên mà theo luật của Bên đó, công ty được thành lập hoặc tổ chức.

Chương V: Tạo thuận lợi cho kinh doanh

Điều 1

Để tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh, và tuỳ thuộc vào các quy định của các Chương I (kể cả các Phụ lục A, B, C, D và E), III (kể cả các Phụ lục F và G), và IV (kể cả các Phụ lục H và I) của Hiệp định này, mỗi Bên:

A. Cho phép các công dân và công ty của Bên kia được nhập khẩu và sử dụng phù hợp với các thực tiễn thương mại thông thường, thiết bị văn phòng và các thiết bị khác, như máy chữ, máy photocopy, máy tính, máy fax liên quan đến việc tiến hành các hoạt động của họ trên lãnh thổ của mình;

B. Tuỳ thuộc vào các luật và thủ tục của mình về nhập cảnh và các cơ quan đại diện nước ngoài, cho phép các công dân và các công ty của Bên kia được tiếp cận và sử dụng nơi làm việc và nơi ở trên cơ sở không phân biệt đối xử và theo giá thị trường;

C. Tuỳ thuộc vào các luật, quy định và thủ tục của mình về nhập cảnh và các cơ quan đại diện nước ngoài, cho phép các công dân và công ty của Bên kia thuê các đại lý, nhà tư vấn và phân phối của một trong hai Bên cho hoạt động sản xuất và đầu tư theo hiệp định này của họ theo giá cả và điều kiện được thoả thuận giữa các bên.

D. Cho phép các công dân và công ty của Bên kia quảng cáo các sản phẩm và dịch vụ của họ (i) bằng cách thỏa thuận trực tiếp với các tổ chức thông tin quảng cáo, bao gồm đài truyền hình, đài phát thanh, đơn vị kinh doanh in ấn và bảng hiệu, và (ii) bằng cách gửi thư trực tiếp, bao gồm cả việc sử dụng các phong bì thư và bưu thiếp được ghi sẵn địa chỉ đến công dân hoặc công ty đó;

E. Khuyến khích liên hệ và cho phép bán trực tiếp những hàng hóa và dịch vụ giữa các công dân và công ty của Bên kia với người sử dụng cuối cùng và các khách hàng khác, và khuyến khích liên hệ trực tiếp với các cơ quan, tổ chức mà quyết định của họ sẽ ảnh hưởng đến khả năng bán hàng;

F. Cho phép các công dân và các công ty của Bên kia tiến hành nghiên cứu thị trường trên lãnh thổ của mình một cách trực tiếp hoặc thông qua hợp đồng;

G. Cho phép các công dân và công ty của Bên kia được dự trữ đầy đủ hàng mẫu và phụ tùng thay thế phục vụ dịch vụ sau bán hàng đối với các sản phẩm của đầu tư theo Hiệp định này; và

H. Cho phép các công dân và công ty của Bên kia tiếp cận các sản phẩm và dịch vụ do chính phủ cung cấp, bao gồm các tiện ích công cộng, trên cơ sở không phân biệt đối xử và theo giá cả công bằng và thỏa đáng (và trong mọi trường hợp không cao hơn giá cả áp dụng cho các công dân và công ty của các nước thứ ba khi các giá cả đó được quy định hoặc kiểm soát bởi chính phủ liên quan đến hoạt động của các hiện diện thương mại của họ);

Điều 2

Theo Chương này, thuật ngữ “không phân biệt đối xử” là sự đối xử ít nhất là thuận lợi bằng sự đối xử quốc gia hoặc sự đối xử tối huệ quốc, tuỳ theo sự đối xử nào tốt hơn.

Điều 3

Trong trường hợp có xung đột giữa các qui định của Chương này và các quy định của Chương I (bao gồm phụ lục A,B,C,D và E), Chương III (bao gồm phụ lục F và G) và Chương IV (bao gồm phụ lục H và I) thì các quy định của các Chương I, III và IV sẽ được áp dụng đối với các xung đột này.

Chương VI Các quy định liên quan tới TÍNH minh bạch, CÔNG KHAI Và quyền khiếu kiện

Điều 1

Mỗi Bên công bố một cách định kỳ và kịp thời tất cả các luật, quy định và thủ tục hành chính có tính áp dụng chung, liên quan đến bất kỳ vấn đề nào được qui định trong Hiệp định này. Việc công bố các thông tin và các biện pháp nêu trên được tiến hành sao cho các cơ quan chính phủ, xí nghiệp và các cá nhân tham gia hoạt động thương mại có thể làm quen với chúng trước khi chúng có hiệu lực và áp dụng chúng theo đúng qui định. Việc công bố như vậy cần bao gồm thông tin về ngày có hiệu lực của biện pháp, các sản phẩm (theo dòng thuế) hoặc dịch vụ bị tác động bởi biện pháp đó, thông tin về tất cả các cơ quan xét duyệt hoặc phải được tham vấn trong quá trình thực thi các biện pháp đó và cung cấp địa chỉ liên hệ tại mỗi cơ quan mà từ đó có thể nhận được các thông tin liên quan.

Điều 2

Mỗi Bên cho phép các công dân và công ty của Bên kia được tiếp cận dữ liệu về nền kinh tế quốc dân và từng khu vực kinh tế, kể cả những thông tin về ngoại thương. Các quy định của khoản này và khoản trên không đòi hỏi phải tiết lộ các thông tin mật nếu như việc tiết lộ ấy có thể gây cản trở cho việc thi hành luật pháp, hoặc trái với lợi ích công cộng, hoặc phương hại đến các quyền lợi thương mại chính đáng của một số doanh nghiệp cụ thể nào đó, dù là doanh nghiệp nhà nước hay doanh nghiệp tư nhân. Trong phạm vi của Hiệp định này, những thông tin mật mà có thể làm phương hại đến quyền lợi thương mại chính đáng của một số doanh nghiệp cụ thể nào đó được hiểu là các thông tin đặc thù có liên quan đến việc nhập khẩu một mặt hàng nào đó mà có ảnh hưởng bất lợi đáng kể đến giá cả hoặc số lượng sẵn có của sản phẩm đó, nhưng không bao gồm những thông tin phải được công bố theo các hiệp định trong khuôn khổ WTO.

Điều 3

ở mức độ có thể, mỗi Bên cho phép Bên kia và các công dân của Bên kia cơ hội đóng góp ý kiến đối với việc xây dựng luật, quy định và thủ tục hành chính có tính áp dụng chung mà có thể ảnh hưởng đến việc tiến hành các hoạt động thương mại qui định trong Hiệp định này.

Điều 4

Tất cả các luật, quy định và thủ tục hành chính có tính áp dụng chung được nêu tại khoản 1 của Điều này mà tại ngày ký Hiệp định này chưa được công bố hoặc có sẵn cho các cơ quan chính phủ và các cá nhân khác hoạt động trong lĩnh vực thương mại, thì sẽ được công bố và có sẵn nhanh chóng. Chỉ những luật, quy định và thủ tục hành chính có tính áp dụng chung mà đã được công bố và có sẵn cho các cơ quan chính phủ và các cá nhân tham gia vào hoạt động thương mại mới được thi hành và có khả năng thực thi.

Điều 5

Các Bên có hoặc giao cho một hoặc một số tạp chí chính thức đăng tất cả các biện pháp có tính áp dụng chung. Các Bên xuất bản định kỳ các tạp chí này và có sẵn các bản của chúng cho công chúng.

Điều 6

Các Bên điều hành một cách thống nhất, vô tư và hợp lý tất cả các luật, quy định và thủ tục hành chính có tính áp dụng chung của mình thuộc tất cả các loại được nêu tại khoản 1 của Điều này.

Điều 7

Các Bên duy trì các cơ quan tài phán và thủ tục hành chính và tư pháp nhằm mục đích, ngoài những điều khác, xem xét và sửa đổi nhanh chóng theo yêu cầu của người bị ảnh hưởng các quyết định hành chính liên quan đến các vấn đề được qui định tại Hiệp định này. Các thủ tục này cần bao gồm cơ hội khiếu kiện mà không bị trừng phạt cho người bị ảnh hưởng bởi quyết định có liên quan. Nếu như quyền khiếu kiện ban đầu là quyền khiếu nại lên một cơ quan hành chính thì phải có cơ hội để khiếu nại quyết định của cơ quan hành chính đó lên một cơ quan tư pháp. Kết quả giải quyết khiếu kiện phải được trao cho người khiếu kiện và các lý do của quyết định đó phải được cung cấp bằng văn bản. Người khiếu kiện cũng phải được thông báo về quyền được khiếu kiện tiếp.

Điều 8

Các Bên đảm bảo rằng các thủ tục cấp phép nhập khẩu, tự động và không tự động, được thực hiện theo cách thức minh bạch và có thể dự đoán trước được, và phù hợp với các tiêu chuẩn của Hiệp định của WTO về Thủ tục Cấp phép Nhập khẩu.

CHƯƠNG VII: Những điều khoản chung

Điều 1: Giao dịch và chuyển tiền qua biên giới

1. Trừ phi các bên trong những giao dịch này thoả thuận khác đi, tất cả mọi giao dịch thương mại qua biên giới, và tất cả việc chuyển tiền liên quan tới một đầu tư theo Hiệp định này sẽ được tiến hành bằng đồng Đô la Mỹ hoặc bất kỳ đồng tiền nào khác có thể được Quỹ Tiền tệ Quốc tế chỉ định là đồng tiền tự do sử dụng ở từng thời điểm.

2. Liên quan đến thương mại hàng hóa và dịch vụ, mỗi Bên dành sự đối xử tối huệ quốc hay sự đối xử quốc gia, tuỳ theo sự đối xử nào tốt hơn, cho các công ty và công dân của Bên kia đối với:

A. việc mở và duy trì tài khoản bằng cả bản tệ và ngoại tệ và được tiếp cận tới tiền gửi của mình trong các định chế tài chính nằm trên lãnh thổ của một Bên;

B. các khoản thanh toán, chuyển trả tiền và việc chuyển các đồng tiền có khả năng chuyển đổi sang đồng tiền tự do sử dụng theo tỷ giá hối đoái trên thị trường hoặc những chứng từ tài chính liên quan giữa lãnh thổ của hai Bên, cũng như giữa lãnh thổ của một Bên và lãnh thổ của một nước thứ ba;

C. tỷ giá hối đoái và các vấn đề liên quan, bao gồm việc tiếp cận các đồng tiền tự do sử dụng.

3. Mỗi Bên dành cho các đầu tư theo Hiệp định này của Bên kia sự đối xử quốc gia hoặc sự đối xử tối huệ quốc, tuỳ thuộc sự đối xử nào tốt hơn, đối với mọi khoản chuyển tiền vào và ra khỏi lãnh thổ của mình. Các khoản chuyển tiền đó bao gồm:

A. các khoản góp vốn;

B. các khoản lợi nhuận, lãi cổ phần, thu nhập từ vốn, và các khoản tiền thu được từ việc bán toàn bộ hoặc một phần của đầu tư hoặc từ việc thanh lý toàn bộ hay một phần của đầu tư;

C. tiền lãi, phí bản quyền, phí quản lý, phí hỗ trợ kỹ thuật và các loại phí khác;

D. các khoản thanh toán theo hợp đồng, kể cả hợp đồng vay nợ;

E. khoản bồi thường theo qui định tại Điều 10 của Chương IV và các khoản thanh toán phát sinh từ một tranh chấp đầu tư.

4. Trong mọi trường hợp, sự đối xử đối với các giao dịch và chuyển tiền qua biên giới đó sẽ phù hợp với các nghĩa vụ của mỗi Bên đối với Quỹ Tiền tệ Quốc tế.

5. Mỗi Bên cho phép thu nhập bằng hiện vật được thực hiện như được cho phép hoặc quy định trong một chấp thuận đầu tư, thỏa thuận đầu tư, hoặc thoả thuận bằng văn bản khác giữa Bên đó với một đầu tư theo Hiệp định này hay một công dân hoặc công ty của Bên kia.

6. Không phụ thuộc vào các qui định tại các khoản từ 1 đến 5, một Bên có thể ngăn cản một khoản chuyển tiền thông qua việc áp dụng một cách công bằng, không phân biệt đối xử và trung thực pháp luật của mình (bao gồm việc yêu cầu thực hiện các biện pháp ngăn chặn tạm thời như các quyết định cưỡng chế thi hành và lệnh phong tỏa tài sản tạm thời của toà án) có liên quan đến:

A. phá sản, mất khả năng thanh toán hoặc bảo vệ quyền của các chủ nợ;

B. phát hành, kinh doanh hoặc buôn bán các chứng khoán, hợp đồng kỳ hạn, quyền chọn hoặc các sản phẩm tài chính phái sinh.

C. các báo cáo hoặc chứng từ chuyển tiền;

D. các tội phạm hình sự hay chấp hành án hình sự; hoặc

E. bảo đảm sự tuân thủ các quyết định hoặc bản án trong tố tụng tư pháp hay hành chính.

7. Các quy định liên quan tới các chuyển tiền tài chính của Điều này không ngăn cản:

A. việc yêu cầu rằng công dân hoặc công ty (hay đầu tư theo Hiệp định này của công ty hay công dân đó) tuân thủ các thủ tục và quy định ngân hàng có tính tập quán, với điều kiện là các thủ tục và quy chế đó không làm phương hại tới bản chất của các quyền được qui định theo Điều này; và

B. việc áp dụng các biện pháp thận trọng nhằm bảo vệ quyền lợi của các chủ nợ, sự ổn định và tính toàn vẹn của hệ thống tài chính quốc gia.

Điều 2: An ninh Quốc gia

Hiệp định này không ngăn cản một Bên áp dụng các biện pháp mà Bên đó coi là cần thiết để bảo vệ các lợi ích an ninh thiết yếu của mình. Không có quy định nào trong Hiệp định này được hiểu là yêu cầu Bên nào cung cấp bất kỳ thông tin gì, mà việc tiết lộ thông tin đó được Bên đó coi là trái với lợi ích an ninh thiết yếu của mình.

Điều 3: Các ngoại lệ chung

1. Với yêu cầu rằng, các biện pháp đưa ra không được áp dụng theo cách tạo nên một phương tiện phân biệt đối xử tuỳ tiện hoặc không công bằng giữa các nước có hoàn cảnh tương tự như nhau hoặc tạo ra một hạn chế trá hình đối với thương mại quốc tế, không có qui định nào trong Hiệp định này được hiểu là cấm một Bên thông qua hoặc thi hành các biện pháp:

A. đối với Chương I, Thương mại Hàng hoá, các biện pháp cần thiết để bảo đảm tuân thủ các luật và quy định không trái với các quy định của Hiệp định này, bao gồm cả các biện pháp liên quan đến bảo hộ các quyền sở hữu trí tuệ và ngăn chặn những hành vi lừa đảo,

B. đối với Chương I, Thương mại hàng hoá, các biện pháp được nêu trong Điều XX của GATT 1994, hoặc

C. đối với Chương III, Thương mại Dịch vụ, các biện pháp được qui định tại Điều XIV của Hiệp định chung về thương mại và dịch vụ GATS.

2. Không quy định nào trong Hiệp định này ngăn cản một Bên áp dụng luật của mình liên quan tới cơ quan đại diện nước ngoài như đã được quy định trong luật pháp áp dụng.

3. Không có quy định nào trong Hiệp định này hạn chế việc áp dụng bất kỳ hiệp định nào hiện có hay sẽ đạt được trong tương lai giữa các Bên về thương mại hàng dệt và sản phẩm dệt.

Điều 4: Thuế

1. Không một qui định nào trong Hiệp định này áp đặt các nghĩa vụ đối với các vấn đề về thuế, ngoại trừ:

A. Chương I, trừ Điều 2.1 của Chương đó, chỉ áp dụng đối với các loại thuế không phải là thuế trực thu như được quy định tại khoản 3 của Điều này.

B. Trong phạm vi Chương IV,

i) Điều 4 và 10.1 sẽ áp dụng đối với việc tước quyền sở hữu; và

ii) Điều 4 sẽ áp dụng đối với một thoả thuận đầu tư hoặc chấp thuận đầu tư.

2. Đối với việc áp dụng Điều 10.1 của Chương IV, khi nhà đầu tư cho rằng một biện pháp về thuế có liên quan tới việc tước quyền sở hữu thì nhà đầu tư đó có thể đưa tranh chấp đó ra giải quyết bằng trọng tài theo Điều 4.3 của Chương IV, với điều kiện là nhà đầu tư đó trước hết đã đưa ra các cơ quan có thẩm quyền về thuế của cả hai Bên vấn đề liệu biện pháp về thuế đó có liên quan đến việc tước quyền sở hữu hay không. Tuy nhiên, nhà đầu tư này không thể đưa vấn đề tranh chấp ra giải quyết bằng trọng tài, nếu trong vòng chín tháng kể từ ngày vấn đề được đưa ra, các cơ quan có thẩm quyền về thuế của cả hai bên xác định rằng biện pháp về thuế đó không liên quan tới việc tước quyền sở hữu.

3. “Thuế trực thu” bao gồm các loại thuế đánh vào tổng thu nhập, vào toàn bộ vốn hay từng bộ phận của thu nhập hay của vốn, bao gồm thuế đánh vào lợi nhuận từ việc chuyển nhượng tài sản, thuế bất động sản, thừa kế và quà tặng; thuế đánh vào tổng số tiền lương mà doanh nghiệp trả cũng như thuế đánh vào giá trị tăng thêm của vốn.

Điều 5: Tham vấn

1. Các Bên đồng ý tiến hành tham vấn định kỳ để rà soát việc thực hiện Hiệp định này.

2. Các Bên đồng ý tiến hành tham vấn nhanh chóng thông qua các kênh thích hợp theo yêu cầu của một trong hai Bên để thảo luận bất cứ vấn đề gì liên quan đến việc giải thích hoặc thực hiện Hiệp định này và các khía cạnh liên quan khác trong quan hệ giữa các Bên.

3. Các Bên thỏa thuận thành lập ủy ban Hỗn hợp về Phát triển Quan hệ Kinh tế và Thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ (gọi tắt là “ủy ban”). ủy ban có các nhiệm vụ sau:

A. theo dõi và đảm bảo việc thực hiện Hiệp định này và đưa ra các khuyến nghị để đạt được các mục tiêu của Hiệp định này;

B. đảm bảo một sự cân bằng thoả đáng về các thoả nhượng trong thời hạn hiệu lực của Hiệp định;

C. là kênh thích hợp để các Bên tiến hành tham vấn theo yêu cầu của một Bên để thảo luận và giải quyết các vấn đề phát sinh từ việc giải thích hay thực hiện Hiệp định này; và

D. tìm kiếm và đề xuất khả năng nâng cao và đa dạng hóa các quan hệ kinh tế và thương mại giữa hai nước;

4. ủy ban sẽ có các đồng chủ tịch là đại diện của các Bên ở cấp Bộ trưởng, và các thành viên sẽ là đại diện của các cơ quan hữu quan có liên quan đến việc thực hiện Hiệp định này. ủy ban sẽ họp định kỳ hàng năm hoặc theo yêu cầu của một trong hai Bên. Địa điểm họp sẽ luân phiên giữa Hà Nội và Washington D.C, trừ khi các Bên có thoả thuận khác. Cơ cấu tổ chức và quy chế hoạt động của ủy ban sẽ do ủy ban thông qua tại phiên họp đầu tiên của mình.

Điều 6: Quan hệ giữa Chương IV, Phụ lục H, Thư trao đổi và Phụ lục G

Đối với bất kỳ vấn đề nào liên quan tới đầu tư trong các lĩnh vực dịch vụ mà không được quy định cụ thể trong Phụ lục G, các quy định của Phụ lục H sẽ được áp dụng. Tuy nhiên, trong trường hợp có xung đột giữa một quy định tại Chương IV, Phụ lục H hoặc các thư trao đổi, và một quy định tại Phụ lục G, quy định tại Phụ lục G sẽ được áp dụng cho xung đột đó. Phụ lục H và các thư trao đổi sẽ không được hiểu hoặc áp dụng theo cách mà có thể tước đi các quyền của một Bên được quy định tại Phụ lục G.

Điều 7: Phụ lục, Bảng cam kết và Thư trao đổi

Các phụ lục, Bảng cam kết và Thư trao đổi của Hiệp định này là một bộ phận không thể tách rời của Hiệp định này.

Điều 8: Điều khoản cuối cùng, Hiệu lực, Thời hạn, Đình chỉ và Kết thúc

1. Hiệp định này sẽ có hiệu lực vào ngày mà các Bên trao đổi thông báo cho nhau rằng mỗi Bên đã hoàn tất các thủ tục pháp lý cần thiết để đưa Hiệp định có hiệu lực, và có hiệu lực trong thời hạn ba (03) năm.

2. Hiệp định này được gia hạn tiếp tục ba năm một, nếu không Bên nào gửi thông báo cho Bên kia, ít nhất 30 ngày trước khi Hiệp định hết hiệu lực, ý định chấm dứt Hiệp định này của mình.

3. Nếu một trong hai Bên không có thẩm quyền pháp lý trong nước để thực hiện nghĩa vụ của mình theo Hiệp định này, thì một trong hai Bên có thể đình chỉ việc áp dụng Hiệp định này, hoặc bất kỳ bộ phận nào của Hiệp định này, kể cả qui chế tối huệ quốc, với sự thoả thuận của Bên kia. Trong trường hợp đó, các Bên sẽ tìm cách, ở mức độ tối đa có thể theo pháp luật trong nước, để giảm đến mức tối thiểu những tác động bất lợi đối với quan hệ thương mại sẵn có giữa các Bên.

Với sự chứng kiến ở đây, được sự ủy quyền của chính phủ mình những người ký tên dưới đây đã ký Hiệp định này.

Làm tại Washington, D.C. ngày 13 tháng 7 năm 2000, thành hai bản bằng tiếng Việt và tiếng Anh, cả hai bản có giá trị ngang nhau.

 

Tham khảo nội dung tại Website Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ: Hiệp định thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ (12/25/2001)

Related Posts

Lựa chọn hình thức vận chuyển tiết kiệm chi phí

Gửi hàng đi Mỹ: Vượt qua rào cản và tiết kiệm chi phí

Bạn đang cần gửi hàng đi Mỹ nhưng lại lo lắng vì quy định phức tạp, thủ tục rắc rối và chi phí đắt đỏ? Đừng lo,…

Trang web mua sắm trực tuyến hiển thị thông báo cảnh báo về sản phẩm giả mạo

Gửi hàng Fake đi Mỹ – Thực trạng đáng báo động

Trong những năm gần đây, vấn đề gửi hàng fake đi Mỹ đã trở nên đáng chú ý, không chỉ vì quy mô ngày càng tăng mà…

tta e1699785608459

Gửi thuốc tây đi Mỹ – nhanh chóng và kịp thời

Trong những năm gần đây, nhu cầu gửi thuốc tây đi Mỹ đã tăng lên đáng kể, phản ánh sự toàn cầu hóa của ngành y tế…

Gửi mỹ phẩm đi Mỹ

Bí quyết gửi mỹ phẩm đi Mỹ nhanh nhất

Dịch vụ gửi mỹ phẩm đi Mỹ là một phần quan trọng trong lĩnh vực vận chuyển quốc tế, đặc biệt trong thời đại mà sản phẩm…

Gửi thực phẩm đi Mỹ

Kinh nghiệm gửi thực phẩm đi Mỹ

Dịch vụ gửi thực phẩm đi Mỹ là một phần quan trọng trong ngành vận chuyển quốc tế, đặc biệt là trong thời đại mà thực phẩm…

Gửi hàng đi Mỹ

Gửi hàng đi Mỹ SGN đỉnh cao chất lượng dịch vụ

Dịch vụ gửi hàng đi Mỹ của công ty SGN là một trong những lựa chọn hàng đầu cho những ai đang tìm kiếm giải pháp vận…